Du lịch nông nghiệp – xu hướng phát triển bền vững trong tương lai

Du lịch nông nghiệp mang lại nhiều giá trị độc đáo cho du khách và góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp của các vùng nông thôn. Việc am hiểu về loại hình du lịch này cùng với vai trò đối với kinh tế – xã hội là điều cần thiết để phát triển đúng tiềm năng nông nghiệp của địa phương.

Du lịch nông nghiệp (Agritourism) là gì?

Du lịch nông nghiệp có thể được hiểu là một loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giải trí hoặc giáo dục. Khách du lịch nông nghiệp sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau, tìm hiểu về động thực vật hoặc tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp phải đảm bảo bao gồm 4 yếu tố sự kết hợp giữa ngành du lịch và nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp, được phát triển để gia tăng thu nhập của người làm nông nghiệp và mang đến trải nghiệm giải trí hoặc giáo dục cho du khách.

Dựa vào các hoạt động chính mà du khách trải nghiệm, du lịch nông nghiệp có thể được chia thành 3 phân khúc chính:

  • Kinh doanh nông sản (Direct-market agritourism)

Kinh doanh nông sản là hoạt động bày bán các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp cho du khách ngay tại trang trại, các cửa hàng nông sản hoặc tại chợ địa phương khi có nhiều du khách thích lối sống ở vùng nông thôn và muốn tìm mua các sản phẩm nông nghiệp ngay tại trang trại. Hoạt động buôn bán trực tiếp này rất tiện lợi cho cả du khách và các chủ trang trại, đồng thời còn giúp gia tăng thu nhập cho nông dân, vì vậy, hầu hết tại các trang trại đều triển khai hoạt động bày bán trực tiếp này để có thể cung cấp những nông sản tươi ngon nhất cho người tiêu dùng. Theo số liệu của Fortune Business Insights, phân khúc direct-market này chiếm đến 36,06% thị phần du lịch nông nghiệp trong năm 2019.

  • Trải nghiệm và Giáo dục (Experience and Education Agritourism)

Loại hình du lịch nông nghiệp này nhằm mang lại kiến thức cho du khách về nông nghiệp, truyền thống canh tác của vùng nông thôn, quá trình sản xuất và phân phối nông sản, nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm lành mạnh và bảo tồn môi trường. Du khách tham gia loại hình du lịch nông nghiệp này có thể trải nghiệm các hoạt động thực tế như học cách trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản hoặc tham quan trang trại. Loại hình Trải nghiệm và Giáo dục đặc biệt phù hợp với các nhóm trẻ em, học sinh, sinh viên bởi tính giáo dục và kiến thức mà loại hình này mang lại. Ví dụ, Hidden Villa, một trang trại nuôi trồng ở bang California nước Mỹ, mỗi năm chào đón khoảng 20.000 du khách tham quan các trang trại rau hữu cơ, các trại chăn nuôi và 30.000 lượt khách tham gia các chương trình trải nghiệm và giáo dục nông nghiệp như vắt sữa bò, làm vườn, học hỏi kiến thức về thực phẩm,…

  • Sự kiện và Giải trí (Event and Recreation Agritourism)

Sự kiện và Giải trí là loại hình du lịch nông nghiệp chủ yếu mang đến trải nghiệm giải trí cho du khách thông qua các chuyến tham quan hoặc sự kiện được tổ chức tại trang trại hoặc địa phương. Đây là loại hình được ưu chuộng và chiếm thị phần nhiều nhất trong các loại hình du lịch nông nghiệp. Các hoạt động du khách tham gia thường là câu cá, tham quan vườn táo hoặc đồi chè, hái lá chè, lễ hội thu hoạch,… Ngoài ra các lễ hội hoa của những trang trại lớn ở nhiều nước trên thế giới cũng được xếp vào loại hình du lịch nông nghiệp này. Ví dụ, lễ hội hoa hướng dương tại trang trại Hokuryu (Nhật Bản) là một lễ hội nổi tiếng thu hút khoảng 200.000 du khách mỗi năm. Ngoài những cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong các ngày lễ hội.

Vai trò của du lịch nông nghiệp đối với kinh tế – xã hội

Du lịch nông nghiệp được xem là một loại hình phát triển du lịch bền vững bởi những lợi ích mà loại hình này mang lại cho ngành du lịch, nông nghiệp và cộng đồng vùng nông thôn. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp có thể đa dạng hóa các hoạt động thương mại và giải quyết các vấn đề về thiếu thị trường tiêu thụ trong ngành nông nghiệp, tạo ra việc làm tại các vùng nông thôn và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho nông dân dưới nhiều hình thức thương mại khác nhau. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp cũng kích thích các doanh nghiệp tại địa phương được thành lập và tham gia vào hoạt động phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Việc đa dạng hóa các loại hình kinh doanh sẽ tạo thêm một nguồn thu nhập cho nông dân, bên cạnh trọng tâm sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, vào những thời điểm không phải vụ thu hoạch hoặc mùa màng kém, giảm giá, hoạt động du lịch nông nghiệp sẽ là một cách cải thiện thu nhập của các trang trại.

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp còn mang lại lợi ích về mặt văn hóa xã hội như duy trì và quảng bá lối sống nông thôn, nâng cao nhận thức về các phong tục tập quán và bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương.

Tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp

Theo một báo cáo của Fortune Business Insights, quy mô thị trường du lịch nông nghiệp toàn cầu trị giá 69,24 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 117,37 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7,42% trong giai đoạn dự báo 2020 – 2027.

Xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự chú ý nhiều hơn từ du khách cũng như các nhà làm du lịch trong những năm gần đây là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp. Du khách ngày càng mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, được tham gia vào việc học hỏi, sáng tạo trong các chuyến đi của mình và đóng góp cho các hoạt động bảo tồn hơn là chỉ nghỉ dưỡng đơn thuần. Do đó, các hình thức du lịch bền vững, các điểm đến và hoạt động thân thiện với môi trường mà du lịch nông nghiệp là một điển hình sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ngoài ra, chính phủ các nước cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến du lịch nông nghiệp, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Chẳng hạn như tại Thái Lan, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã cùng với Bộ Du lịch và Thể Thao đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch nông nghiệp của nước này. Hay chiến dịch “It’s more fun in Philippine farms” (2017) nhằm mục tiêu quảng bá du lịch nông nghiệp của Philippines là những hoạt động đáng chú ý của loại hình du lịch này trong những năm qua.