[Review] Bến xe – Thương Thái Vi – Hội Ngôn Tình – WordPress.com

Link: Kites.vn

Trong suốt quãng thời gian tôi đi cùng những cuốn truyện từ ngày này qua ngày khác, đã từng có quyển đã khiến tôi dậm bước, bồi hồi trước những dòng văn có thể là bình dị, có thể là văn hoa, có thể là nhẹ nhàng sâu sắc. Một trong số đó là Bến Xe của Thương Thái Vi.

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đọc và có ấn tượng sâu sắc với một câu chuyện như Bến Xe. Tôi là một cô bé nhỏ, rất nhỏ trong hàng nghìn người đọc, dịch hay chuyển ngữ, thế giới truyện của tôi đã từng là một màu hồng, có chăng chỉ vài lúc nào đó, tôi đọc được một câu chuyện thực sự hay và cảm động nhưng chẳng hề cảm nhận hết những gì nó mang lại. Nhưng Bến Xe đã thu hút tôi từ những dòng đầu bước vào truyện, thu hút tôi từ hai chữ “ám ảnh” và “chấn động” của người dịch truyện. Từ lúc bắt đầu, cái thế giới màu hồng của tôi đã dần mờ nhạt và thay vào đó là một màu xám nhạt nhẹ nhàng mà ảm đạm. Chính thầy Chương – Chương Ngọc và cô nữ sinh Liễu Địch ấy, đã khiến một cô bé chẳng hiểu yêu đương là gì như tôi phải bật khóc thầm giữa đêm. Và cũng chẳng thể phủ nhận rằng, tôi đã viết bài cảm nhận này trong nước mắt.

Ngay từ những dòng đầu tiên, tôi cảm thấy chất văn của cô Thái Vi không hài hước, không quá hoa mĩ mà lại giản dị đến không ngờ. Sự giản dị của cô Vi đã hấp dẫn tôi, dắt tôi đến với thế giới nhỏ của cô, đến với bến xe, với lớp học văn nơi có sự hiện diện của thầy Chương và cô học trò nhỏ Liễu Địch.

“Câu chuyện về một người thầy tài hoa khiếm thị và cô học trò nhỏ của anh.”

Tôi đã dùng cả tâm hồn mình đã đọc Bến Xe. Bất kể đọc một cuốn sách nào, tôi luôn tưởng tưởng những nhân vật trong đó và dường như tự diễn lại một bộ phim nhỏ trong đầu mình, nhưng trước khi đọc Bến Xe, tôi chưa từng ngờ được sẽ có lúc tôi có thể hình dung thật rõ nhân vật chính trong truyện đến nhường này. Tôi cảm nhận được sự tài hoa, phong thái bình tĩnh của thầy Chương, cũng cảm nhận được sự hồn nhiên của Liễu Địch. Tôi cảm nhận được cái bến xe nhỏ mỗi lúc cô trò nhỏ Liễu Địch ấy đưa thầy Chương chờ đón xe, tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng lúc cô trò nhỏ Liễu Địch ấy đọc lên từng bài một để thầy Chương phê bình và chấm điểm, tôi cảm nhận được cảnh tượng khi cô trò nhỏ Liễu Địch ấy tò mò đến nhà thầy Chương. Tất cả những cảnh tượng ấy đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn tôi và vỡ òa khi đọc đến cuối câu chuyện.

Để nói về thầy Chương, tôi sẽ nói thầy hoàn hảo về nhân cách, về phẩm chất, về sự tài hoa. Đó là một con người đẹp toàn diện từ sâu trong tâm hồn. Cho dù bề ngoài của thầy có khiếm khuyết về đôi mắt mà không ai mong đợi, nhưng nét đẹp từ sâu thẳm lòng thầy đã xóa nhòa sự khiếm khuyết về mặt thể chất ấy và để lại trong lòng người đọc sự cảm động về một người thầy giỏi giang, một người đàn ông yêu cô trò nhỏ của mình. Từng câu chữ như trôi vào trong tim, để lại một dòng chảy nhỏ mà cũng đau đớn nhường nào. Cho dù bị người đời khinh bỉ, cho dù thầy không có học vị cao, không giàu sang quý phái gì, nhưng hình ảnh về thầy và tình yêu của thầy có lẽ đã và sẽ vẫn sáng chói trong lòng người đọc. Quả thật không hề sai khi nói thầy Chương đúng là linh hồn của câu chuyện.

“Các em, hôm nay chúng ta học tản văn “Ánh trăng bên hồ sen” của Chu Tự Thanh tiên sinh. Mời các em mở sách giáo khoa, tôi sẽ đọc bài văn một lần.”

Từ lần đầu bước lên bục giảng lớp Liễu Địch, thầy Chương đã gây ấn tượng cho cả lớp bởi không cần nhưng lại có thể thuộc làu làu một bài tản văn mà không cần đến sách giáo khoa. Những cô cậu học trò ấy ban đầu đã khinh thường, cho rằng thầy “thể hiện”, cho đến khi thầy có thể “đọc” được những tác phẩm mà những cô cậu ấy chỉ biết tên mà chưa từng đọc và biết thầy bị khiếm thị. Ngoài sự sùng bái và kinh ngạc, dường như bao trùm trong cả lớp học ấy một cảm xúc không biết tên với người thầy khiếm thị. Thầy đã chứng minh tài năng của mình qua khả năng với môn văn của lớp. Đây có lẽ chỉ là một trong những dẫn chứng rất nhỏ trong hàng vạn những câu chữ tôi có thể trích dẫn để nói về con người thầy. Cả quãng thời gian từ nhỏ đến lúc bấy giờ thầy “sống cùng” với môn Văn, trong lúc cuộc đời thầy trở nên tối tăm bởi đôi mắt bị hỏng, cô trò nhỏ Liễu Địch kia, như cách tôi muốn gọi, chính là mặt trời nhỏ soi rọi màu sắc tối đen của thầy. Cô trò nhỏ ấy đã mang đến sự ấm áp, mang đến ánh sáng thuần khiết nhất cho thầy. Và hạt giống tình yêu của thầy Chương cũng nảy mầm từ lúc ấy, thật thầm lặng, đẹp đẽ mà cũng thật mãnh liệt.

“Tôi thật sự hi vọng… lúc này… đôi mắt tôi có thể bừng sáng cho dù chỉ một phút. Một phút thôi cũng được, tôi nguyện dùng cả sinh mạng mình để đánh đổi.”

Vòng quay định mệnh mang thầy Chương và cô trò nhỏ Liễu Địch lại với nhau. Nào chỉ có Liễu Địch đã làm nảy mần tình yêu trong lòng thầy Chương Ngọc, qua dòng văn của cô Vi, tôi thấy được tình cảm của một nữ sinh thật nhỏ bé, thuần khiết nhưng lại kiên định. Bất chấp dư luận, cô trò nhỏ ấy vẫn một lòng yêu người thầy khiếm thị của mình. Nhưng với sự ngăn cách giữa một người thầy và một cô học trò, Liễu Địch đã từng coi đó là sự sùng bái của cô với một “thiên tài” thực sự. Đến cuối câu chuyện, khi thầy Chương đã hi sinh cả tính mạng mình để bảo toàn danh dự cho cô trò nhỏ, người mà thầy yêu thương, có lẽ đó đã là sự muộn màng cho một tình cảm không thành.

“Mùa xuân của sinh mệnh vẫn chưa đến, mùa xuân của sinh mệnh đã qua đi.”

Bước vào căn phòng làm việc của thầy, đó là sự ngỡ ngàng, sự tưởng tượng như thầy Chương chưa từng gặp tai nạn của Liễu Địch mà không ai không cảm nhận được.

“Thầy Chương, thầy ở đâu?”

Sự thật hé mở về cái chết của người thầy đáng kính đã cho tôi hai chữ “tàn nhẫn”. Người đời thật tàn nhẫn đến mức nào khi nhạo báng về người thầy và cô học trò nhỏ ấy? Đã tàn nhẫn thế nào khi khinh bỉ, coi rẻ và xúc phạm người thầy đáng kính trọng như thể một miếng giẻ rách? Đã tàn nhẫn thế nào khi chà đạp lên tình cảm không thể nào trong sáng hơn của hai người?

“Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, nếu chúng ta có kiếp sau, nếu kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này… đợi em.” – Trích trong bức thư của thầy Chương.

Lời nói cuối của cô trò nhỏ của thầy Chương đã khiến tôi như có thêm hy vọng về một kiếp sau nào đó của hai người không hề có thật. Phải chăng như cô trò nhỏ ấy đã nói với giáo sư Tô, “Bây giờ, con chính là thầy, thầy chính là con. Tác phẩm thầy chưa hoàn thành, con sẽ viết thay thầy, ước mơ thầy chưa thực hiện, con sẽ thực hiện giúp thầy; con đường thầy chưa đi hết, con sẽ tiến bước giúp thầy. Con sẽ vì thầy mà sống vui vẻ, sống ngoạn mục. Con sẽ cùng thầy bước ra khỏi bóng tối, đi tới ánh sáng!”

Thầy Chương, sẽ sống mãi trong lòng cô học trò nhỏ Liễu Địch ấy, tôi tin là như vậy.

Cuối cùng, xin được cảm ơn tác giả, cô Thương Thái Vi vì một câu chuyện đẹp như vậy, xin được cảm ơn chị Greenrosetq vì đã dịch hay một tác phẩm đáng nhớ như vậy.

11.10.2013

Lệ Thiên