NHIỆM VỤ THEN CHỐT CÓ Ý NGHĨA SỐNG CÒN

“Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” (V.I. Lenin) – nhưng đó mới là điều kiện cần – để có được phong trào cách mạng mạnh mẽ, giành được thắng lợi thì ngoài lý luận cách mạng tiên tiến, điều kiện đủ không thể thiếu là phải xây dựng được một đảng cách mạng vững mạnh và đội ngũ cán bộ cách mạng đủ quyết tâm và năng lực đưa lý luận cách mạng vào thực tiễn phong trào cách mạng, biến lý luận cách mạng thành sức mạnh của cách mạng, giành những thắng lợi cho cách mạng. Khi mở những lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc, (1925-1927), trong “giáo trình” Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh… Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1].

Sứ mệnh lịch sử, địa vị lãnh đạo của Đảng yêu cầu sự cần thiết phải có một tổ chức Đảng vững mạnh. Từ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích, xác định mục tiêu, phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”[2].

Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân sau khi giành lại được độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời chấn chỉnh những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên vừa mới có chút chức quyền trong tay. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Người đã nghiêm khắc phê phán, ngăn đe, cảnh báo một số căn bệnh của một số đồng chí nắm chức vụ trong bộ máy chính quyền như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo… Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z) viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, được ví như “cẩm nang” về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cũng trong tác phẩm này Người lần đầu tiên sử dụng từ “chỉnh đốn Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc phê bình và tự phê bình để xây dựng một Đảng chân chính. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là luật phát triển của Đảng – sự phát triển bao hàm trong đó sự tự chỉnh đốn và đổi mới. “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. [3]

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Người chỉ rõ: “Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng. Từ đó, Người đòi hỏi trong chỉnh đốn Đảng phải “kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân” [4].

Trong Di chúc để lại cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết, nói về Đảng”. Người yêu cầu công tác xây dựng Đảng phải tập trung vào ba nội dung lớn: Phải tăng cường đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng – giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; Hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng. Di chúc của Người mang tầm nhìn vượt thời gian về yêu cầu phải xây dựng Đảng một cách toàn diện, thường xuyên liên tục, coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, từ sứ mệnh lịch sử của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng.