Trắc nghiệm tính cách MBTI của mình ko thay đổi trong suốt 5 năm qua, 4 lần kiểm tra đều cho kết quả ISFJ (nurturer, defender, protector – người chăm nom, người bảo vệ), dù môi trường sống có sự thay đổi lớn trong thời gian đủ dài. [Update: mới đây test lại thì đã chuyển sang INTJ-A (assertive architect) – thay hẳn 2 chữ, từ “Sensing” sang “Intuitive”, từ “Feeling” sang “Thinking”, nôm na là đã lý trí và bớt mù quáng hơn rồi]
3 tháng trước khi được học và nghiên cứu về tính cách cá nhân (ứng dụng trong giao tiếp) bằng Process Communication Model, thầy có dặn “Tôi muốn các bạn trong 3 tháng tới, đừng cố chia sẻ (hay áp dụng mô hình này bằng cách chia sẻ) với người khác. Hãy tập trung vào bản thân, nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu của mình và luôn nạp đủ điện cho cái thang máy của bạn”.Process Communication Model (được nghiên cứu và phát triển bởi tiến sĩ, nhà tâm lý học Taibi Kahler – đã được NASA sử dụng để thúc đẩy khả năng giao tiếp, khống chế căng thẳng trong điều kiện đặc biệt cho phi hành gia) là mô hình phân tích đặc điểm tính cách cá nhân phản ánh + áp dụng thông qua quá trình giao tiếp. Theo đó, mỗi người được ví như một ngôi nhà có 6 tầng (tương ứng với 6 loại tính cách khác nhau) và 3 tầng hầm (tương ứng với 3 mức độ căng thẳng, càng xuống dưới càng nặng dần). Cái thang máy mà thầy giáo mình nhắc đến ám chỉ khả năng mỗi người có thể di chuyển lên xuống các tầng, đương nhiên tầng 1 là tính cách chính của mình – mình luôn ở trạng thái thoải mái khi được ở đó, không cần đến thang máy.
Theo kết quả của PCM thì mình thuộc loại tính cách PERSISTER, đề cao ý kiến có tính thuyết phục và giá trị của mỗi người. Điểm mạnh trong tính cách của Persister là conscientious, dedicated và observant – là người tận tâm và có óc quan sát. Cái hay của PCM theo mình thấy (hơn MBTI), ngoài việc ít tính cách hơn, là sự phân tầng và cái thang máy. Tầng 2 và 3 của mình lần lượt là THINKER (logic, có trách nhiệm và óc tổ chức) và HASMONISER (từ bi, nhạy cảm và ấm áp). Như thế, ở 3 tầng này – thang máy của mình ít tốn điện nhất, cũng có nghĩa là mình thể hiện những tính cách này nhiều hơn. Xem phân tích kỹ về 3 tính cách này thì thấy khá giống với kết quả của MBTI, cho thấy các bài kiểm tra cũng có tính đúng đắn nhất định, dù hình thức và kiểu câu hỏi của 2 bài kiểm ra khác nhau 100%.
Sự liên hệ giữa mô hình và căn nhà thật thú vị nhỉ
PCM thần kỳ ở chỗ nó còn cho thấy tính cách của mình đã bị thay đổi trong quá khứ. Dù Persister là tính cách được hình thành từ khi sinh ra, nhưng vì một (hoặc một số) sự kiện thay đổi trong cuộc sống mà tính cách của mình đã chuyển lên Thinker (tiếng Anh gọi là phase change, một người có thể ko có, có một hoặc vài lần phase change như thế). Nó giống như việc bạn thường xuyên sống ở tầng 2 thay vì tầng 1. Sự thay đổi về tình cách không hề làm mất đi những tính cách chính của bạn, nhưng có thể làm gia tăng nhu cầu tâm lý – nghĩa là khi môi trường, hoàn cảnh giao tiếp không đáp ứng được nhu cầu tâm lý của Persister hoặc Thinker, mình sẽ bắt đầu bị căng thẳng.
Mỗi tính cách có nhu cầu tâm lý khác nhau, ví dụ Thinker mong muốn có được sự công nhận trong công việc và cần mọi thứ được sắp xếp theo lịch trình cụ thể. Khi thiếu những điều này, Thinker bắt đầu bị căng thẳng và sự căng thẳng sẽ tăng dần nếu những nhu cầu đó không được bù đắp (ai đó hãy ném cho mình một cái thời gian biểu hay kế hoạch gì đó thì khả năng cao là mình sẽ bình tĩnh lại). Đây cũng chính là điểm yếu của các loại tính cách – Phần này mình thấy rất hữu dụng trong khi làm việc nhóm, nếu mà bạn hiểu rõ tính cách của đồng nghiệp, thì bạn sẽ có xu hướng phản ứng theo cách đáp ứng nhu cầu tâm lý của họ, để mọi việc trở nên suôn sẻ hơn. Ngoài ra, hiểu rõ nhu cầu tâm lý của bản thân sẽ giúp một người biết cách nạp điện cho cái thang máy nhà mình. Thang máy cần rất nhiều điện để lên đến các tầng trên cao, do đó căng thẳng cũng xảy ra khi mà một người như mình là Thinker ở cùng với 1 nhóm toàn PROMOTER (tầng 6 của mình) chẳng hạn.
PCM có lẽ dễ nhớ và dễ áp dụng hơn so với MBTI – thể hiện ở việc mọi phân tích tính cách đều chỉ ra biểu hiện và phương án hành động. Tìm hiểu về tính cách của bản thân nhưng lại cho bạn khả năng hiểu người khác và cách giao tiếp, làm việc với họ. Chỉ cần luôn nhớ, hãy áp dụng chỉ riêng cho bản thân mình ít nhất trong 3 tháng đầu để tránh tập trung đánh giá người khác.
Trang web chính thức dành cho ai muốn tìm hiểu thêm về PCM ở đây. Tại vì bài kiểm tra này mất phí nên mình không có rủ rê mọi người test hết được, nhưng nó thật sự đáng giá đó :”> http://www.processcommunication.eu/
P/s mình phải edit thêm vì nhiều người nhắn hỏi chi phí của bài test quá. Thực ra là hồi đó thầy giáo đăng ký sẵn nên bọn mình được gửi link đến email và làm bài test luôn. Mình cũng xem kỹ lại thì có vẻ PCM được phát triển dành cho các tổ chức nhiều hơn, và họ phổ biến qua hình thức “train the trainer”. Bạn không chỉ nhận kết quả rồi ngồi nghiền ngẫm nó đâu, mà sẽ có người hướng dẫn về cách áp dụng và hành động nữa. Mình lại kể thêm một chút, ngày đó thầy giáo cho bọn mình làm một cái Role play để thực hành, thầy đóng vai là 1 ông sếp có tính cách “Rebel” – người nổi loạn, tức là kiểu một người rất tưng tửng, rất khó để tiếp cận và yêu cầu bọn mình lần lượt đóng vai một người nhân viên vào xin nghỉ phép vài ngày vì một chuyện khá quan trọng. Mình nhớ mãi một bạn nữ được thầy khen vì xử lý tốt nhất, là sau khi bạn trình bày lý do và xin nghỉ, (ông sếp vẫn đang thể hiện rất điên), bạn này nói, “Tôi sẽ đi ra ngoài bây giờ và hy vọng ông cho tôi câu trả lời vào cuối ngày hôm nay”. Nếu cho Rebel thời gian và một không gian lặng thì họ suy nghĩ, còn nếu bạn đứng trước mặt thì kiểu gì họ cũng sẽ làm bạn phát điên lên và mọi việc chả đi đến đâu hết. Đó chính là điểm nhấn của bài test, người ta hướng dẫn bạn cách hiểu và hành động.
Vì vậy, nếu bạn quan tâm và muốn thử, có lẽ nên giới thiệu PCM với bộ phận nhân sự của công ty, tổ chức bạn, rồi bạn sẽ được làm test free 😉
HT