Sơ lược về phương pháp bào chế thuốc trong Đông y thực hành

Tiếp theo phần 1 nói về phương pháp sao tẩm thuôc trong Đông y, phần 2 tiếp theo sẽ giới thiệu cho chúng ta 2 phương pháp bào chế thuốc còn lại trong Đông y.

2. Sao không tẩm

a. Sao vàng

Dùng lửa nhỏ sao thuốc cho đến khi mặt ngoài của thuốc có màu vàng, thuốc có mùi thơm, khô giòn; bẻ ra, bên trong thuốc vẫn không đổi màu là được.

Mục đích: Sao vàng nhằm hạn chế bớt tính mát lạnh của thuốc như cỏ Mực, Rễ Tranh… hoặc giảm tính nê trệ của vị thuốc đối với tiêu hóa. Dùng trong trường hợp người yếu, thể trạng hư hàn, rối loạn tiêu hóa, ăn uống giảm sút…

b. Sao vàng hạ thổ

Sau khi thuốc được sao vàng đạt yêu cầu như trên, thì đem đổ thuốc xuống chỗ đất sạch (lót giấy báo bên dưới), đậy kín khoảng 10 – 15 phút cho thuốc nguội là được.

Mục đích: Sao vàng hạ thổ nhằm làm cho thuốc hòa hoãn, giảm bớt tính kích thích, dễ uống và bảo đảm cho vị thuốc có tác dụng cân bằng âm dương.

Sơ lược về phương pháp bào chế thuốc trong Đông y thực hành - Phần 2

c. Sao tồn tính

Dùng lửa vừa phải đốt chảo cho nóng rồi bỏ thuốc vào đảo đều tay cho đến khi bên ngoài thuốc cháy đen, giòn, bẻ ra bên trong thuốc vẫn còn nguyên chất thuốc là được.

Mục đích: Sao tồn tính để thuốc dễ sắc, dễ chiết xuất hoạt chất, dễ ngấm, dễ hấp thu mà vẫn giữ nguyên được chất thuốc.

d. Sao cháy

Sao cháy thuốc thành than là đạt yêu cầu, nên để thuốc cháy hết. Muốn vậy, cần phải đun lửa to. Khi sao, cần phân loại lớn sao trước, nhỏ sao sau hoặc sao riêng từng loại. Dùng lửa mạnh sao thuốc, khi thấy trong chảo bốc khói thì nên đậy kín nắp để dập lửa cháy ở thuốc, không cho lửa lan xung quanh.

Mục đích: Thuốc sao cháy để dẫn thuốc vào huyết phận hoặc tăng cường tác dụng cầm máu của thuốc, như Trắc bá diệp sao cháy, Hòe hoa sao cháy, Thảo quyết minh sao cháy…

Ngoài ra còn có một số phương pháp bào chế khác như nướng, nung, thủy phi… Nói chung, các phương pháp sao, bào, tẩm, chế dược liệu (như đã đề cập ở trên) nhằm để đạt mục đích biến đổi tính nguyên thủy của thuốc, đưa thuốc đến chỗ bệnh để tăng hiệu quả trị liệu.

3. Phương pháp thủy hỏa chế

Phương pháp thủy hỏa chế là dùng nước nấu chín để bào chế thuốc. Cho dược liệu vào dụng cụ, thêm lượng nước hoặc phụ liệu vừa đủ nấu chín. Do tính chất dược liệu yêu cầu điều trị khác nhau; do đó, có các phương pháp nấu, chưng, luộc qua…

a. Phương pháp nấu

Cho dược liệu vào dụng cụ, thêm nước hoặc thêm phụ liệu vừa đủ, trộn đều. Lúc đầu đun to lửa, sau khi sôi đun nhỏ lửa nấu chín. Nên dùng nồi bằng đồng hoặc nồi đất để nấu, không nên dùng dụng cụ bằng sắt, thuốc sẽ biến màu đen. Thời gian nấu ngắn hay dài, lượng nước ít hay nhiều, có cần thêm chất phụ liệu hay không là căn cứ trên tính chất của dược liệu và yêu cầu điều trị. Nếu dược liệu nhiều tinh bột, chất cứng, hoặc thuộc có độc thì lượng nước cần dùng nhiều. Các nguyên phụ liệu thường dùng như rượu, Giấm, nước thuốc. Thường nấu với nước thuốc như Huyền hồ, Nga truật, Cam toại, Nguyên hoa nấu với Giấm; Hà thủ ô, Sinh địa nấu với rượu; Xuyên ô, Thảo ô nấu với nước Ngân hoa, Cam thảo.

b. Phương pháp chưng

Dùng hơi nước để nấu chín dược liệu. Phương pháp chưng thường không kèm theo nguyên phụ liệu hoặc có phụ liệu chưng trực tiếp hoặc gián tiếp. Phương pháp chưng kèm theo phụ liệu như thêm Giấm, Rượu, nước Gừng, nước thuốc… tẩm cho nước hấp thu vào dược liệu, sau đó đem chưng chín.

Chưng với hơi nước không kèm theo phụ liệu gọi là Thanh chưng.

Chưng trực tiếp là cho thuốc vào nồi chưng, sau đó chưng chín.

Chưng gián tiếp là cho dược liệu vào dụng cụ chưng cách thủy.

Thời gian chưng lâu hay mau, có thêm phụ liệu hay không phụ liệu là tùy theo tính chất của dược liệu và yêu cầu điều trị. Thời gian chưng thường là 2 – 3 giờ hoặc lâu hơn; có khi phải chưng nấu 2 – 3 lần hoặc 9 lần như Thục địa hoàng, Nữ trinh tử, Nhục thung dung… dùng rượu để chưng; Hoàn tinh, Ngọc trúc, Bách hợp chưng với nước; Ngũ vị tử, Ô mai dùng Giấm để chưng.

b. Phương pháp luộc qua

Cho dược liệu vào nấu nhanh hoặc nhúng nước sôi hoặc đun sôi thời gian ngắn như luộc hạnh nhân, Đào nhân, Bạch biển đậu.

c. Phương pháp lên mầm

Lên mầm bằng cách dùng các loại ngũ cốc cho lên mầm để làm thuốc. Mùa hạ dùng nước lạnh, mùa đông dùng nước ấm để ủ ở nhiệt độ 20 – 25 độ C. Dược liệu thường ủ lên mầm như Lúa, Mạch nha, Đậu nành, Đậu đỏ…

Phương pháp thủy hỏa chế trong bào chế thuốc Đông y

d. Phương pháp lên men

Dùng men rượu để ủ cho thuốc lên men, như Đạm đậu xị, Đởm nam tinh, Thần khúc.

e. Phương pháp chế sương

Đông y quan niệm rằng, chữ Sương có ý nghĩa như là 1 loại thuốc bột nhẹ màu trắng hoặc màu đen, trong đó có các loại như sau:

– Các vị thuốc có độc tính khi dùng phải ép hết dầu, như Ba đậu sương, Thiên kim tử sương, Hạnh nhân sương…

– Gia công chế biến làm thăng hoa thuốc để chế thành sương, như Tây qua sương, Phê sương, hoặc xương động vật sau khi nấu cao tán thành bột, như Lộc giác sương.

– Bách thảo sương là một loại khói bám vào dụng cụ đun nấu.

g. Phương pháp chế nhiều lần

Dùng lửa nước nấu dược liệu, phơi nắng, phơi sương hoặc phơi gió… nấu và phơi nhiều lần như: chế Xuyên ô, Đởm nam tinh, Pháp bán hạ, Thục địa…

Tác dụng trị liệu của thuốc cao hay thấp, tác dụng phụ nhiều hay ít chẳng những do bản chất dược tính của dược liệu mạnh hay ít mà còn liên quan mật thiết đến công việc bào chế, sao tẩm; do đó, khi bào chế thuốc cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình, thủ thuật bào chế, sao tẩm, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả điều trị. Nhờ có những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất trong dược liệu mà công tác sao tẩm bào chế không ngừng được cải tiến và nâng cao.

Theo Healthplus.vn