Không cần nói quá nhiều về Prisma Visions vì đây được coi là cái tên “huyền thoại” của giới Tarot. Dù mới được ra mắt vài năm nhưng bộ bài đến từ tác giả James R. Eads đã trở thành lựa chọn sáng giá của nhiều người – không chỉ bởi phong cách thiết kế đậm chất Van Gogh mà còn bởi sự độc đáo khi ghép các lá bài với nhau. Theo mình biết, đây là bộ bài duy nhất mà 14 lá của mỗi bộ ẩn phụ có thể ghép thành một bức tranh hoàn thiện.
Thời gian trước mình không chọn Prisma Visions Tarot dù rất thích trường phái thiết kế này, vì bộ bài mang cảm giác hơi tăm tối. Với Reader thì việc liên kết vẫn quan trọng hơn sự yêu thích. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ mình đã mua bản mới nhất – bản thứ 5 của bộ bài này. Và tương tự như với Starchild Akashic, mình làm việc với bộ bài tốt hơn mình nghĩ. Hơn nữa khi trực tiếp sử dụng, mình thấy các lá bài khá tươi sáng chứ không tăm tối như mình tưởng. Vì được vẽ trên nền tối nên chủ thể càng rõ nét, như thể có ánh sáng thật sự toả ra từ lá bài vậy.
Về việc bộ bài này hợp với người mới hay không thì mình thấy là có. Khác với Starchild Akashic, Prisma Visions sở hữu hệ thống hình ảnh khá sát với chuẩn Rider-Waite-Smith. Có đến 90% các lá bài được thiết kế tương tự và truyền tải đúng nội dung bộ bài gốc. Các bạn mới học có thể yên tâm dùng.
Đánh giá chung
Thiết kế hộp
Prisma Visions Tarot bản 5 vẫn sở hữu hộp giấy cứng sang chảnh. Chi tiết mạ vàng lóng lánh trên nắp hộp là điểm khác biệt của phiên bản này. Phía sau nắp hộp in một bài thơ, dưới đáy hộp là hình ảnh đôi mắt theo đúng thiết kế nghệ thuật cổ điển quen thuộc. Mình đánh giá thiết kế hộp này “xịn” đúng mức giá và phong cách.
Thiết kế lá bài
Cá nhân mình thấy thiết kế lá bài Prisma Visions Tarot bản 5 “xịn” nhất trong số sáu bộ bài mình sở hữu. Bài được in trên chất liệu bìa dày dặn với hai mặt bóng loáng và cạnh mạ bạc lấp lánh. Khi cầm riêng từng lá hay cả bộ bài đều có cảm giác rất “sang chảnh”. Hơn nữa, đây cũng chính xác là bộ bài giống trong giấc mơ mình đã kể ở bài review Starchild Akashic Tarot!
Điểm mạnh
- Thiết kế sang trọng
- Phong cách vẽ nghệ thuật
- Thiết kế độc đáo (các lá bài ghép lại thành một bức tranh lớn)
- Nội dung khá chuẩn với hệ thống Rider-Waite-Smith
Điểm yếu
- Hiện giờ chưa nghĩ ra. Nếu có thì có lẽ là bài hơi bóng quá nên không cẩn thận dễ “bay” lung tung
CẢM NHẬN TỪNG LÁ BÀI
Bộ ẩn chính
Nếu như bốn bộ ẩn phụ là các lá không viền thì mỗi lá ẩn chính đều có viền như một bức tranh cổ giúp người dùng dễ dàng phân biệt.
0 – The Fool: Một con bồ nông đậu trên cọc gỗ cắm giữa vùng biển động dữ dội. Chiếc phao trên cọc dường như quá mong manh so với đại dương quanh nó. Tuy nhiên với tinh thần của The Fool, đương nhiên con bồ nông không hề sợ hãi, thậm chí không ý thức được sự nguy hiểm một khi rời khỏi chiếc cọc. Nó có thể bay, nhưng giữa vùng biển mênh mông ấy, nó không thể biết khi nào sẽ tới bờ. Liệu con bồ nông có sống sót hay không?
1 – The Magician: Cá nhân mình thấy đây là hình ảnh một nhà ảo thuật thực thụ. Với ánh trăng sáng phía sau, nhà ảo thuật “tung hứng” con người nhỏ bé trong tay mình – tượng trưng cho khả năng tuyệt vời của The Magician: người làm chủ mọi thứ.
2 – The High Priestess: Mình chưa cảm nhận được nhiều về lá bài này, chỉ thấy sự lặng lẽ của bóng chân người bước vào vùng tối. Có lẽ người này đang tìm về tiềm thức của mình, lắng nghe tiếng nói bên trong mình – tiếng nói của trực giác?
3 – The Empress: Người phụ nữ nhỏ bé bay bổng giữa không trung, gợi cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát của người mẹ. Đến với bà là đến với sự che chở, bao bọc ân cần và mềm mại.
4 – The Emperor: Người cha nghiêm nghị được khắc hoạ bằng hình ảnh con dê – biểu tượng cung Bạch Dương. Những nét vẽ màu sắc tạo thành hình khối rõ rệt cùng cặp sừng nhọn thể hiện sự lý trí, cứng rắn của The Emperor.
5 – The Hierophant: Sự quy củ của The Hierophant được thể hiện bằng hình ảnh con trâu – biểu tượng cung Kim Ngưu. Trong vòng tay cứng cáp của con trâu là hai cuộn giấy tượng trưng cho giấy tờ, luật lệ. Ngoài các nét vẽ màu sắc tạo thành các cuộn tròn, lá bài còn có những đường gấp khúc chằng chịt thể hiện đúng tính truyền thống của The Hierophant.
6 – The Lovers: Đây là một trong những lá mình thích nhất bộ bài. The Lovers quá đẹp! Còn gì khắc hoạ tình yêu chính xác hơn hình ảnh cặp đôi hoà quyện trong điệu vũ giữa ánh đèn lung linh. Bên cạnh cảm xúc, lá bài cũng thể hiện sự gắn kết bằng động tác siết chặt vòng eo của người nam dành cho nữ. Nhìn theo hướng tiêu cực, hành động này thể hiện sự sở hữu. Dù cả hai có vẻ bay bổng tự do thì giữa họ vẫn có sự ràng buộc chặt chẽ.
7 – The Chariot: Lá The Chariot này gần gũi hơn với đời thường khi sử dụng hình ảnh chiếc ô tô. Dù đi trong màn mưa nhưng ánh đèn xe vẫn rọi sáng con đường, cùng với chú chim bồ câu phía đầu xe tượng trưng cho hy vọng, lá bài thể hiện sự mạnh mẽ tiến lên của chiếc xe mặc cho giông tố vây quanh – giống như người kỵ sĩ trên cỗ xe quyền lực trong bộ bài gốc.
8 – Strength: Chú sư tử là hình ảnh hoàn hảo vừa thể hiện tinh thần của lá bài Strength, vừa thể hiện biểu tượng cung Sư Tử.
9 – The Hermit: Đây cũng là lá bài mình yêu thích. Tinh thần của The Hermit được khắc hoạ bằng khung cảnh lẻ loi với bóng người bé nhỏ trên cây cầu xa xa, bắc qua một vùng nước. Xung quanh con người là cây cối um tùm và đằng sau là ánh trăng tròn vành vạnh. Đây là khung cảnh hoàn hảo để chủ thể tìm về sự tĩnh lặng trong tâm hồn – vừa cô độc, lại vừa nên thơ.
10 – Wheel of Fortune: Không có “bánh xe số phận” nào ở đây, chiếc vòng được tạo ra bởi chính chú rắn đỏ đan xen với các loài vật khác – ám chỉ rằng khi chiếc vòng quay và số phận lên tiếng, mọi thứ đều bị kéo theo mà không thể cưỡng lại.
11 – Justice: Cán cân được thay bằng bàn tay với con dao sắc bén – hình ảnh cũng khá phù hợp thể hiện sự cứng rắn và dứt khoát của công lý. Bên cạnh đó, chiếc vòng xoắn ở nền lá bài cũng thể hiện sự cân bằng mỗi khi công lý được thực thi.
12 – The Hanged Man: Một con người trôi nổi lững lờ giữa đại dương. Chỉ đầu ở trên, toàn thân đều xuôi dưới làn nước. Hình ảnh thể hiện đúng tinh thần “có cũng được, không có cũng được” của The Hanged Man. Bên cạnh đó, bức tranh còn khắc hoạ sự suy nghĩ của con người. Đến một ngưỡng nào đó, người ta không còn đấu tranh mà muốn dành thời gian thả lỏng và nhìn sự việc theo hướng khác, từ đó hy vọng tới tương lai tốt đẹp hơn.
13 – Death: Còn gì thể hiện sự kết thúc “tình” bằng hình ảnh bông hồng trong bàn tay thần chết. Bông hồng đang toả sáng rực rỡ, nhưng chỉ cần thần chết khép nhẹ bàn tay, mọi sức sống sẽ vĩnh viễn tan vào không trung. Tuy nhiên phía sau khung cảnh này vẫn là vùng sáng ửng hồng tựa bình minh, thể hiện một khởi đầu mới đang đến. Vì vậy những điều cũ cần được khép lại đi thôi.
14 – Temperance: Nhìn thoáng qua, dường như Temperance chỉ có hình ảnh hai chiếc cốc trên nền tranh cuộn xoắn. Nhưng để ý một chút bạn sẽ thấy bóng người màu đen trôi nổi với chiếc cốc trên tay. Chủ thể lá bài đang thả trôi bản thân cùng hai chiếc cốc này để cân bằng lại mình một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
15 – The Devil: Ác quỷ của Prisma Visions Tarot 5th không mang dáng vẻ dữ tợn mà là một khu rừng – khu rừng sâu thăm thẳm với nền trời đỏ quạch, cùng những thân cây vằn vện đan xen. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi bước vào nơi này dù mọi thứ có hấp dẫn ra sao, bởi chưa biết chừng bạn sẽ chẳng bao giờ trở ra.
16 – The Tower: Một ngôi nhà lớn nằm ngay bờ vực thẳm. Móng của nó không hề vững. Nếu ngôi nhà bất ngờ đổ sụp, chúng ta có thể giật mình. Nhưng hãy hiểu rằng đây là điều cần thiết, cũng là lúc đặt nền móng cho ngôi nhà khác vững chãi hơn.
17 – The Star: Lại là một bức tranh giản đơn ở lần đầu chiêm ngưỡng với những bông hoa đỏ mềm mại. Nhìn kỹ hơn, ta thấy bóng hình một người trên nền lá bài. Những bông hoa như những ánh sao đang len lỏi để thắp lên hy vọng trong tâm hồn con người ấy.
18 – The Moon: Tương tự bộ bài gốc, The Moon của Prisma Visions Tarot 5th vẫn là hình ảnh hai con sói nhỏ bé dưới ánh trăng. Phía trước chúng là con sông hoặc đại dương với chiếc thuyền nhỏ lững lờ trôi – thể hiện sự vô định, không rõ ràng.
19 – The Sun: Một hình ảnh khá trừu tượng với những “lọ màu” đa sắc đổ xuống khắp lá bài. Mọi thứ đều rõ ràng như ánh sáng mặt trời, hoặc tươi sáng như năng lượng tích cực ánh dương mang lại.
20 – Judgement: Không có hình ảnh nào nặng nề, Judgement chỉ “mời” bạn bước vào căn phòng ánh sáng, nơi mọi điều đều được phán xét một cách công bằng.
21 – The World: Thế giới của The World là muôn loài động vật xoay quanh “mắt bão” – biểu tượng chủ đạo của Prisma Visions. Ở lá bài này, mọi thứ dường như được “hoà tan” một cách bình đẳng để kết thúc chu kỳ cũ, sẵn sàng mở ra chu kỳ mới hoàn toàn.
22 – Reverie: Đây là lá đặc biệt của phiên bản 5. Cá nhân mình thích lá đặc biệt của bản này hơn các bản trước. Reverie từ câu chữ đến hình ảnh thể hiện hoàn hảo sự mộng mơ, suy tưởng đầy chất thơ.
Ảnh: James R. Eads