
Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đã quyết định áp dụng tiêu chí mới để xác định nguồn gốc xuất xứ của chip nhập khẩu, dựa trên quốc gia nơi sản xuất tấm wafer (wafer fabrication). Đây là một quyết định được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ ngày càng leo thang.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) và hãng tin Reuters, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) vào ngày 11 đã đăng tải một thông báo trên mạng xã hội WeChat về tiêu chuẩn xuất xứ bán dẫn. Trong thông báo, CSIA nêu rõ: “Chúng tôi đề xuất rằng khi làm thủ tục thông quan nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm mạch tích hợp, dù đã trải qua công đoạn đóng gói hay chưa, thì nước xuất xứ phải được khai báo dựa trên vị trí của nhà máy sản xuất wafer.”
Do đặc tính phức tạp, chuyên môn hóa cao và mang tính đa quốc gia của chuỗi cung ứng bán dẫn, từ trước đến nay, tiêu chuẩn về nước xuất xứ để áp dụng thuế quan khi nhập khẩu bán dẫn vẫn còn khá mơ hồ trong ngành. Nhiều quốc gia gồm cả Hoa Kỳ, chủ yếu áp thuế dựa trên nơi sản xuất cuối cùng. Ví dụ, nếu wafer được sản xuất tại nhà máy ở Mỹ sau đó đóng gói tại Đông Nam Á, thì nơi sản xuất cuối cùng sẽ coi là Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng bán dẫn, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc, nguyên tắc miễn thuế quan hiện đang được áp dụng giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, giới phân tích cho rằng động thái lần này của Trung Quốc rõ ràng nhắm vào các công ty có nhà máy sản xuất wafer đặt tại Hoa Kỳ, nhằm mục đích lựa chọn và áp đặt thuế suất cao lên các doanh nghiệp này. Thực tế, từ ngày 12 tháng 4, Trung Quốc đã tăng thuế suất đối với các sản phẩm của Mỹ từ 84% lên 125%. Ngành công nghiệp bán dẫn dự đoán rằng các công ty như Intel, Texas Instruments, GlobalFoundries, và Microchip Technology sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biện pháp này.
Một nguồn tin trong ngành nhận định: “Cuối cùng thì ý nghĩa của việc này là đừng sản xuất chip tại các nhà máy ở Mỹ nếu muốn bán vào thị trường Trung Quốc. Đây chẳng khác nào việc Trung Quốc sử dụng thị trường tiêu dùng khổng lồ của mình, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong thị trường bán dẫn, làm vũ khí để tấn công lại Mỹ.” Tờ SCMP, dẫn nguồn từ công ty nghiên cứu thị trường bán dẫn ICwise, phân tích rằng: “Thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ không đạt được mục tiêu ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ (Make America Great Again), mà ngược lại sẽ khiến Mỹ phải gia công (outsourcing) nhiều hơn nữa.”
Cũng theo SCMP, biện pháp này được dự đoán sẽ tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp gia công bán dẫn (foundry) của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có thể hấp thụ một phần các đơn hàng sản xuất trước đây được giao cho các xưởng đúc Mỹ. Thực tế, sau khi thông báo của hiệp hội được đưa ra, giá cổ phiếu của SMIC, công ty foundry lớn nhất Trung Quốc, đã tăng 5,9% trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào ngày 10, trong khi cổ phiếu của Hua Hong Semiconductor tăng vọt 14%.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tác động thực tế của đòn phản công này từ Trung Quốc có thể bị hạn chế. Lý do là các công ty Mỹ như Qualcomm hay AMD, vốn thuê các công ty Đài Loan (như TSMC) gia công sản xuất, sẽ có nước xuất xứ được phân loại là Đài Loan và do đó tránh được ảnh hưởng của thuế quan. Một người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bán dẫn tại công ty nghiên cứu thị trường Omdia đã phát biểu trong một hội thảo trực tuyến vào ngày 11 rằng, phần lớn chip mà Trung Quốc nhập khẩu không được sản xuất trực tiếp và vận chuyển từ Mỹ, do đó tác động của thuế quan sẽ bị hạn chế.
#Cuộcchiếnbándẫn #CuộcchiếnbándẫnMỹTrung #trumpđánhthuế
Nguồn: https://vnreview.vn/threads/thi-truong-1-4-ty-dan-tu-choi-dung-chip-ban-dan-made-in-usa.59281/
Be the first to comment