29-03-2012
1. Thế nào là Són tiểu?
Són tiểu là tình trạng không kiểm soát được việc tiểu tiện, mức độ của són tiểu có thể thay đổi từ việc són ra một ít nước tiểu (như khi ho, hắt hơi, chạy nhảy hay mang vác nặng…) cho đến một lượng lớn nước tiểu mà không thể kiểm soát được.
– Bệnh thường gặp ở những phụ nữ trên 50 tuổi, tuy vậy bệnh cũng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhất là nhứg phụ nữ sau khi sinh nở.
– Hãy đến khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa nếu bạn có bệnh lý này vì nếu không được điều trị kịp thời thì bạn có thể gặp nguy cơ như ngứa, nhiễm trùng da và nhiễm trùng đường tiểu…
2. Những nguyên nhân gây són tiểu
- Ở phụ nữ, lớp niêm mạc trong âm đạo bị mỏng và khô, nhất là sau khi mãn kinh.
- Suy thoái các lớp cơ ở sàn chậu.
- Bị táo bón.
- Béo phì hoặc tăng cân nhanh chóng
- Nhiễm trùng đường tiểu.
- Bệnh tiểu đường, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính…
3. Có bao nhiêu loại són tiểu?
– Són tiểu khi tăng áp lực trong bụng (Stress incontinence): Triệu chứng này xẩy ra khi áp lực trong bụng dưới đột ngột tăng lên (chẳng hạn như khi ho, cười, khuân nặng hay tập thể thao). Lý do là vì các lớp cơ vùng sàn chậu bị suy yếu, thường là vì sinh đẻ hay sau khi giải phẫu cắt tử cung toàn phần.
– Són tiểu cấp kỳ (Urge incontinence): Chứng này xẩy ra khi cơn mắc tiểu xảy ra cấp kỳ, không kịp thời gian cho người bệnh nhân đi đến toilet. Triệu chứng này thường xảy ra ở những người lớn tuổi và có thể là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu hay bệnh tiểu đường.
– Són tiểu khi đầy bàng quang (Overflow incontinence): Người bệnh này lúc nào cũng nhỏ giọt nước tiểu, gây ra bởi bàng quang bị tràn đầy. Người bệnh nhân cảm thấy như họ không đi tiểu hoàn toàn được (thường xảy ra ở người đàn ông vì bị u tuyến tiền liệt)
4. Són tiểu có phải là triệu chứng của tuổi già ?
Không. Nhưng những sự thay đổi của tuổi già có thể làm bàng quang chứa được ít nước tiểu hơn làm cho tia nước tiểu yếu hơn, cho nên người bệnh nhân có cảm tưởng họ phải đi tiểu thường xuyên hơn. Như thế không có nghĩa là người nào già cũng sẽ bị bệnh són tiểu.
5. Són tiểu được đánh giá như thế nào?
Đầu tiên bạn nên đến khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để được khám và đánh giá mức độ són tiểu và dạng són tiểu nào mà bạn mắc phải. Để chẩn đoán bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng, bạn sẽ điền vào bảng điều tra và sẽ được khám lâm sàng và xét nghiệm để được làm rõ chẩn đoán
- Nghiệm pháp áp lực bàng quang: bạn sẽ phải ho mạnh và hắt hơi, bác sĩ sẽ quan sát và đánh giá triệu chứng són tiểu.
- Xét nghiệm nước tiểu: để đánh giá tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, hoặc những bệnh lý liên quan.
- Siêu âm: dựa vào hình ảnh siêu âm để đánh giá bàng quang, thận, niệu đạo….
- Soi bàng quang niệu đạo: đánh giá những thương tổn của niệu đạo, cổ bàng quang và bàng quang.
- Niệu động đồ: đánh giá áp lực của bàng quang, ổ bụng, niệu đạo khi nghỉ ngơi và khi làm nghiệm pháp áp lực bàng quang.
Điều trị són tiểu
Việc chữa trị bệnh són tiểu tùy theo nguyên do gây bệnh và tùy loại són tiểu. Chữa bệnh tiểu đường hoặc thay đổi thuốc sẽ đỡ được triệu chứng nếu đấy là nguyên nhân. Luyện tập các cơ sàn chậu (Kegel exercise) hoặc luyện tập bàng quang (bladder training) có thể làm thuyên giảm phần nào chuyện són tiểu.
Nếu những phương pháp luyện tập không đạt hiệu quả thì bạn cần phẫu thuật để điều trị són tiểu. Ở một số phụ nữ sau khi sinh nở, sàn chậu trở nên yếu hoặc bị tổn thương trong quá trình sinh đẻ. Thành phần nâng đỡ dưới niệu đạo không giữ được niệu đạo và bàng quang đúng vị trí sẽ đưa đến són tiểu khi gắng sức. Phẫu thuật sẽ cải thiện được tình trạng này, giúp cho bàng quang và niệu đạo đúng vị trí bình thường. Phẫu thuật viên sẽ đặt một dãi băng làm từ sợi tổng hợp dưới niệu đạo tạo nên một lớp nâng đỡ vững chắc cho niệu đạo giữ đúng vị trí bình thường.
Ghi nhớ:
- Són tiểu là một bệnh phổ biến ở phụ nữ
- Tất cả mọi dạng són tiểu đều có thể điều trị được
- Són tiểu có thể được điều trị ở mọi lứa tuổi
BS. NGUYỄN THANH LÂM – BV HMĐL