Xone FM – kênh phát thanh hay “nồi lẩu ngôn ngữ”?

Thời gian qua, đã có không ít bài viết, diễn đàn lên tiếng về tình trạng tiếng Việt đang bị “biến dạng” bởi nhiều thứ ngôn ngữ như tiếng lóng, nói đệm, nói xen ngoại ngữ…

Quả vậy, không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ chat, ngôn ngữ blog, mà ngay trong khẩu ngữ cũng không hiếm gặp cách nói lai căng này, có người cho rằng đó là ăn nói kiểu “trưởng giả học làm sang”, bày đặt hay tỏ vẻ về mức độ am hiểu ngoại ngữ của mình gây cảm giác khó chịu, dị ứng với không ít người nghe. Điều đáng nói hơn, những cách nói này lại đang tồn tại trên một kênh phát thanh chuyên về âm nhạc.

Thật đáng tiếc, vấn đề kể trên lại đang tồn tại và có xu hướng phát triển mạnh đến mức độ khó có thể chấp nhận được.

Trên một kênh âm nhạc, thông tin giải trí được phát sóng radio rộng rãi như kênh Xone FM, một kênh âm nhạc mới xuất hiện gần đây, có những chương trình âm nhạc mới, hấp dẫn và sôi động dành cho giới trẻ, trong đó có nhiều ca khúc thịnh hành được giới trẻ Việt Nam yêu thích lại xuất hiện tình trạng này. Phải nói rằng tần suất sử dụng thứ tiếng Anh “bồi”, tiếng lóng… do một số người dẫn chương trình của kênh âm nhạc này áp dụng đến mức báo động về sự phản cảm.

Mỗi buổi phát sóng, ngay trong đoạn giới thiệu đầu tiên về chuyên mục 10 bài hát hay (HOT 10@10) là một giọng nam dẫn chương trình người Việt nhưng lại có tên Tây là “Nê ô” vang lên: “Oắt ắp? Oắt ắp?….” (What’s up?). Đây là thứ tiếng lóng rất xấc xược mà những người thành thạo tiếng Anh chuẩn mực gọi là “ngôn ngữ vỉa hè”. Do anh ta lại nuốt trọn mất cả chữ “S” nên ngữ âm câu nói này thành ra lại càng lố bịch.

Thính giả nghe đài chắc chắn có nhiều lứa tuổi và đối với không ít người thì đây là một câu nói lấc cấc, khó chấp nhận. Xen kẽ giữa các bài hát khác nhau là những mẩu đối thoại ngắn, đùa cợt, giới thiệu chung của những người dẫn chương trình về bài hát kế tiếp. Họ nói tiếng Việt pha tạp lẫn lộn với tiếng Anh xen kẽ nhau đến ù tai không khác một “nồi lẩu ngôn ngữ”.

Người Việt <?xml:namespace prefix = st1 />Nam kém ngoại ngữ nghe không hiểu đã đành, mà ngay cả người nước ngoài nghe cũng không hiểu nổi. Bên này hỏi một đằng bằng cả tràng tiếng Anh dài dằng dặc, bên kia lại trả lời toàn tiếng Việt hoặc ngược lại.

Chưa kể các thứ tiếng lóng, nhả nhớt, bông đùa pha tạp của họ kiểu như khen nhau: “DJ rất là crazy…” (chơi nhạc rất là điên rồ) cũng được dành “tặng” cho thính giả nghe đài.

Sự nhất quán về cách phát âm đánh vần tên, địa chỉ mạng Internet liên quan cũng lại là vấn đề không nhỏ. Có lúc các bạn trẻ trên Xone FM đọc hàng chữ địa chỉ mạng WWW là “đáp liu”, lúc sau lại “vê kép”, hoặc địa chỉ “.com” được đọc bằng tiếng Việt là “chấm com”, lúc sau bồi luôn tiếng Anh thành “đót côm”, chưa kể những liên từ, cụm từ địa chỉ mạng Internet bằng tiếng nước ngoài cũng được nhanh chóng đọc nối âm luôn thành một từ thay vì đánh vần từng chữ cái một cách chính xác như điều tối thiểu của báo nói.

Do đặc thù truyền tải thông tin chỉ có âm thanh nên điều đó hết sức quan trọng để giúp người nghe có thể tiếp nhận được thông tin chuẩn xác nhất.

Tại những thời điểm nghỉ, thay vì chỉ cần nói rất đơn giản, đại khái như “Hẹn gặp lại” hay “Chúng tôi sẽ trở lại sau vài phút” thì họ đồng loạt gào lên “We will be righ back!”. Thính giả Việt Nam ắt sẽ thực sự khó hiểu vì không biết họ nói câu đó với ai đây.

Cần phải nhắc lại là ngay cả đến ngữ âm của những câu, từ tiếng Anh cơ bản được người dẫn chương trình sử dụng thì hầu hết cũng sai nghiêm trọng, từ trọng âm cho tới phát âm, ngữ điệu…

Những ví dụ nêu trên chỉ là một vài hạt sạn nhỏ trên Xone FM, cho dù như tiêu chí của Xone FM nói rằng để phục vụ cho giới trẻ, thế nhưng cách truyền đạt thông tin lai căng như vậy quả là một điều cần phải thay đổi.

Nếu như một ngày nào đó, ta bắt gặp các bạn trẻ đua nhau bắt chước đối thoại kiểu “tiếng Anh vỉa hè” như vậy trong xã hội, gia đình, nhà trường thì quả thật, điều đó rất đáng buồn